Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2013

Tranh dân gian Đông Hồ - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

 

KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ ĐỂ TRANG TRÍ, TÔ ĐIỂM, LÀM ĐẸP NGÔI NHÀ MÀ TRANH DÂN GIAN ĐÔNG HỒ CÒN LÀ NHỮNG BÀI HỌC DÀI VỀ ĐẠO LÝ LÀM NGƯỜI. MỖI BỨC TRANH NHƯ MỘT TRANG SÁCH ẢNH MÀ NGƯỜI XƯA GỬI GẮM BIẾT BAO GIÁ TRỊ TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, VĂN HÓA, KINH NGHIỆM SỐNG ĐỂ T

 
 
Tranh Canh nông.
Không ai biết chính xác nguồn gốc nghề làm tranh Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành) có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề đã được các thế hệ người dân làng Đông Hồ lưu truyền từ đời này sang đời khác qua nhiều thập kỷ. Giá trị độc đáo, đặc sắc và của tranh dân gian Đông Hồ được thể hiện từ những chất liệu, màu sắc dân gian quen thuộc, gần gũi với thiên nhiên, gắn bó mật thiết với cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người dân Việt. Đặc biệt, dòng tranh này cũng luôn bám sát các giai đoạn lịch sử dân tộc: Từ Bà Trưng Bà Triệu oai phong xung trận cho đến tranh phụ nữ Việt Nam ba đảm đang, vừa sản xuất vừa chiến đấu hay là những tranh đả kích những biến tướng, nhiễu nhương trong thời kỳ Âu hóa…
 
Với đa dạng mẫu mã, thể loại, chủ đề như: Chúc tụng, sinh hoạt đời thường, trò chơi dân gian, tăng gia sản xuất, chăn nuôi, cày bừa, lễ hội... tranh dân gian Đông Hồ càng xem càng thấy ý nghĩa văn hóa vô tận, chứa đựng những ẩn ý sâu sắc. Nó nhắc nhở, răn dạy đầy đủ, chi tiết về mọi sự đúng sai, phải trái ở đời.
 
Nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam, 83 tuổi ở làng tranh dân gian Đông Hồ tâm sự: Một bức tranh Đông Hồ không phải chỉ mang một ý nghĩa mà có rất nhiều nghĩa tùy theo trình độ hiểu biết và góc nhìn nhận của người xem. Có thể cùng một bức tranh nhưng người nông dân xem hiểu một cách, trí thức hiểu một cách khác. Ở mỗi độ tuổi với kinh nghiệm sống khác nhau sẽ có phương pháp tiếp cận để cảm nhận vẻ đẹp của bức tranh theo cách riêng của mình.
 
 
Con cháu gia đình nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam (xã Đông Hồ, Thuận Thành) vẫn say mê giữ nghề làm tranh.
 
Đơn cử, cùng một bức tranh Lợn ráy nhưng có người nói là khoáy âm dương thể hiện sự phồn vinh, thịnh vượng và hiểu theo nghĩa triết học. Nhưng người nông dân chúng tôi xưa thì lại nghĩ đó là những hướng dẫn về cách chọn giống và chăm sóc lợn. Tức là, khi mua lợn giống phải chọn những con lợn “đầu lá khoai, tai lá sọ” rồi miệng rộng mõm dài, răng trắng. Còn khoáy ở giữa là thể hiện cho mong ước nuôi lợn mau lớn “chín tháng bằng bò, mười tháng bằng trâu”. Đó là những đúc kết kinh nghiệm qua bao đời của người chăn nuôi.
 
Hay như tranh Gà đàn với người học rộng, hiểu biết sâu thì hiểu theo nghĩa của sự sinh sôi nảy nở, phồn thịnh. Nhưng chúng tôi thì thấy nó biểu trưng cho tình mẫu tử “một mẹ nuôi được 10 con nhưng 10 con không nuôi được một mẹ”. Hoặc có người nhìn vào 10 chú gà con, thấy không con nào giống con nào, mỗi con được vẽ theo một tính cách khác nhau nhưng vẫn luôn quấn quýt, đoàn kết bên nhau thì lại hiểu đó là tình cảm anh em gia đình, gắn bó huyết thống như câu nói “Khôn ngoan đá đáp người ngoài, gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”.
 
Với tranh Đám cưới chuột cũng mang nhiều ngụ ý. Ở giai đoạn lịch sử nào thì nó lại được hiểu theo nghĩa gắn với thời cuộc đó: Trong xã hội phong kiến thì đó là biểu hiện của sự đấu tranh giai cấp, mèo là cường hào địa chủ còn họ hàng nhà chuột là thân phận của những người nông dân thấp cổ bé họng; trong thời đại mới, có người nghĩ cho rằng những người yếu thế muốn được vui vẻ, yên ổn thì phải biết cống nạp, nịnh nọt kẻ mạnh.
 
Trong khi đó, với một số nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam nhìn thấy tính cộng sinh và cho rằng đó là biểu hiện của sự dĩ hòa vi quý-một tính cách của người Việt, luôn mong muốn vạn vật có một cuộc sống chung, hòa bình, hạnh phúc. Cũng có người hiểu nghĩa bức tranh là thể hiện tính mưu trí (mưu là mèo, trí là chuột) và nghĩ rằng, dù trong hoàn cảnh khó khăn, phải đối diện với thử thách thì người Việt vẫn luôn biết cách xử trí khôn ngoan, khoan hòa và hợp lý nhất…
 
Bố cục trong mỗi bức tranh cũng khá chặt chẽ, từng chi tiết nhỏ cũng mang ý nghĩa chứ không bao giờ thừa. Như ở Công việc nhà nông - một bức tranh tổng hợp đủ mọi công đoạn của người nông dân: Từ gieo mạ, cấy lúa, thu hoạch, phơi thóc, xay giã gạo, nấu thành cơm cho đến cảnh sống sung túc, thanh bình với bà cháu quây quần, sân nhà, gà lợn, chim chóc bay lượn…
 
Những nghệ nhân Đông Hồ với lối nghĩ và cách thể hiện giản dị của mình đã thể hiện được rất nhiều nội dung, chi tiết khác nhau trên cùng một mặt phẳng. Tất cả các chi tiết đều có mối quan hệ gắn bó khăng khít, chặt chẽ, bổ trợ lẫn nhau và không một chi tiết nào thừa. Vậy nên, vô tình bức tranh đã mang màu sắc đồng hiện, mở ra cả một không gian rộng lớn từ trời cao, đồng rộng cho đến góc sân, mảnh vườn; còn hiện rõ thời gian kéo dài suốt một vụ lúa trong khoảng 4-5 tháng liền. Rõ ràng, bức tranh không đơn thuần miêu tả lại công việc của nhà nông mà còn mang ý nghĩa răn dạy nghề trồng lúa và quan trọng hơn là dạy cho người ta biết yêu quý, trân trọng giá trị của hạt gạo “Ai ơi, bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”.
 
Dẫn chứng một vài bức tranh dân gian Đông Hồ để thấy ẩn trong mỗi bức tranh là biết bao tầng nghĩa sâu xa về tư tưởng, văn hóa, kinh nghiệm, triết lý sống của người Việt xưa và nay. Đó cũng là yếu tố quan trọng nhất để hiểu tại sao tranh dân gian Đông Hồ - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ có sức sống bền lâu qua hàng trăm thế hệ người dân đất Việt mà còn có sức hút đặc biệt đối với du khách quốc tế.