Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Vẻ đẹp miền sơn cước - Cao nguyên đá Đồng Văn

CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN MỘT VẺ ĐẸP VÙNG SƠN CƯỚC ĐÃ LÀM RUNG ĐỘNG NHIỀU CON TIM DU KHÁCH ĐẾN ĐÂY. Ừ THÁNG 4 NĂM 2010, HỒ SƠ CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN ĐƯỢC ĐỆ TRÌNH UNESCO CÔNG NHẬN LÀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU. ĐÂY CŨNG LÀ CÔNG VIÊN ĐỊA CHẤT TOÀN CẦU ĐẦU TIÊN CỦA VIỆT NAM.

Với hàng loạt di sản về địa chất, địa tầng, kiến trúc cùng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao, Cao nguyên đá Đồng Văn mang một vẻ đẹp hoang sơ, tinh khiết và đầy bí ẩn.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030.

Vẻ đẹp tiềm ẩn miền sơn cước



Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Cao nguyên đá Đồng Văn có đủ các yếu tố hội tụ để trở thành công viên Địa chất toàn cầu: diện mạo địa chất khoáng sản, tài nguyên thiên nhiên phong phú; có bản sắc văn hoá cũng hết sức độc đáo và ấn tượng như văn hoá của dân tộc Mông, Lô Lô, Pu Péo, Dao. Cao nguyên đá cũng là nơi có nhiều di tích danh thắng quốc gia đã được công nhận như: Di tích kiến trúc nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, phố cổ Đồng Văn, đèo Mã Pì Lèng, núi Đôi Quản Bạ v.v.

Trải qua hơn 100km đường đèo với những đoạn cua tay áo gấp đến chóng mặt giữa một bên là vực sâu và một bên là từng lớp núi đá tai mèo, khung cảnh hoang sơ và hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn hiện ra trong mờ mịt khói mây khiến chúng tôi thực sự choáng ngợp.

Đứng trên đỉnh dốc Mã Pì Lèng, dòng sông Nho Quế xanh biếc như một dải lụa vắt qua núi khiến cảnh tượng miền đất này mang nét kỳ ảo và nên thơ. Cao nguyên đá Đồng Văn đẹp đến ngỡ ngàng từ những căn nhà cheo leo trên núi đá của đồng bào Mông đến những thửa ruộng bậc thang trải dài theo dốc núi.

Vẻ đẹp của miền đất còn được đồng bào dân tộc nơi đây tô điểm thêm bằng những ngôi nhà trình tường (nhà làm bằng đất), hàng rào bằng đá và cả những trang phục dân tộc mang nhiều màu sắc vui tươi, độc đáo.

Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là vùng núi đá cao trên 1.000 mét bao gồm bốn huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ với diện tích hơn 2.300km2.

Nơi đây hiện có hơn 250.000 dân sinh sống với 17 dân tộc thiểu số, chiếm 90% dân số cả vùng, trong đó dân tộc Mông chiếm 70% số dân, lên đến hơn 230.000 người. Đây là vùng tập trung người Mông đông nhất cả nước.

Theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO), Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ Trái Đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa.

Cao nguyên đá Đồng Văn hội tụ một loạt hệ thống di sản độc đáo như Di sản địa chất với rừng hóa thạch Huệ biển Cán Chu Phìn, nghĩa địa hóa thạch Làn Chải, điểm hóa thạch Ngã ba Lũng Pù-Khau Vai-Mèo Vạc, điểm hóa thạch Tay cuộn Ma Lé, điểm hóa thạch Trùng thoi (thị trấn Đồng Văn).

Di sản địa tầng gồm mặt cắt địa chất Lũng Cú-Ma Lé, ranh giới thời địa tầng Frasni-Famen tại đèo Si Phai; Di sản địa mạo với danh thắng núi đôi Quản Bạ, tháp kim Pải Lủng, thung lũng Thủy Mặc, rừng đá Khâu Vai… cùng rất nhiều di sản kiến trúc-lịch sử-văn hóa-danh thắng như phố cổ Đồng Văn, di tích Nhà Vương, thị trấn Phó Bảng…, các thôn văn hóa dân tộc và làng văn hóa du lịch.

Mặc dù có tiềm năng du lịch lớn nhưng Đồng Văn vẫn chưa khai thác được triệt để những lợi thế này. Trong năm 2012, lượng khách du lịch đến đây chỉ đạt 330.000 khách, trong đó chỉ có chưa đến 20.000 khách quốc tế.

Bên cạnh đó, mức chi tiêu của khách du lịch khi đến đây chỉ dao động từ 15-25 USD/ ngày/khách, thấp hơn nhiều so với mức chi tiêu trung bình của khách du lịch đến Việt Nam (60-70 USD/ngày/khách).

Bảo tồn di sản đồng hành với phát triển du lịch
Hiện tại, ngành Văn hoá Thể thao và Du lịch Hà Giang đang nỗ lực phát huy tối đa các tiềm năng du lịch và các bản sắc văn hoá dân tộc ở trên cao nguyên đá; đồng thời giữ gìn các di sản thiên nhiên vốn có. Hà Giang đã cấm khai thác đá, hang động, nhũ đá và tất cả các công việc liên quan đến di sản Công viên địa chất toàn cầu. Tỉnh coi đây là động lực, tiền đề tốt đẹp nhất cho việc thu hút du khách trong và ngoài nước đến tham quan chiêm ngưỡng, du lịch trên cao nguyên đá.

Tỉnh Hà Giang đang thực hiện việc cắm biển di tích và nâng cao năng lực nhận thức của cộng đồng các dân tộc, tạo điều kiện phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc vùng cao. Cùng với đó, đồng bào vùng Cao nguyên đá Đồng Văn- những chủ nhân của di sản thế giới mới có điều kiện chung tay bảo vệ di sản quí giá của nhân loại.

Tiến sỹ Nguyễn Lê Huy, Trưởng Ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn trăn trở, Cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng khó khăn nhất cả nước. Những tài nguyên phục vụ dân sinh và kinh tế như đất canh tác và nguồn nước sinh hoạt, nước canh tác, chất đốt trên địa bàn còn rất thiếu thốn. Hạ tầng cơ sở như hệ thống giao thông, hạ tầng du lịch cũng bị ảnh hưởng rất nhiều do địa hình của cao nguyên đá.

Bên cạnh đó, đời sống, trình độ nhận thức về du lịch của người dân, đặc biệt là các dân tộc thiểu số còn kém. Nguồn nhân lực cho ngành du lịch có chất lượng thấp, chưa đảm bảo yêu cầu phát triển đã tác động không nhỏ đến chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch của Đồng Văn. Hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chưa thực sự được đầu tư nên chưa đạt hiệu quả cao.

Nhận thức được những khó khăn trên, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Hà Giang cùng với sự giúp đỡ của đơn vị tư vấn là trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất Đồng Văn với trọng tâm chủ yếu gồm hai phần: Bảo tồn di sản, nghiên cứu khoa học và phát triển du lịch.

Việc xây dựng quy hoạch theo hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trước hết nhằm thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế về bảo tồn di sản địa chất, di sản văn hóa và địa sinh thái của Cao nguyên đá Đồng Văn.

Tiếp theo là khai thác giá trị của các di sản phục vụ phát triển du lịch, coi du lịch là sinh kế mới cho cộng đồng các đồng bào dân tộc trên vùng cao nguyên đá. Đây là định hướng mô hình mới của mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu (UNESCO) trao riêng cho Đồng Văn bởi khác với các công viên địa chất khác trên thế giới thường được chuyển từ các khu du lịch sang nên sẵn có cơ sở hạ tầng du lịch tốt lại không có nhiều cư dân sinh sống quanh khu vực.


Công viên Đồng Văn có tới hơn 250.000 dân sinh sống. Các bước trên cũng nhằm đáp ứng cho việc đánh giá tư cách thành viên của Đồng Văn trong Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu vào năm 2014.

Theo tiến sỹ Nguyễn Lê Huy, trong hai năm qua kể từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu, tỉnh Hà Giang đã triển khai một số chương trình quảng bá hình ảnh qua kết nối trang web của Ban quản lý Công viên địa chất Đồng Văn với các trang điện tử của các cơ quan truyền thông, du lịch, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, các đại sứ quán các nước tại Việt Nam nhằm đưa thông tin về vùng Cao nguyên đá đến gần hơn với khách du lịch. Bước đầu, những hoạt động trên cũng có kết quả khả quan.

Hiện nay, tỉnh cũng đang xây dựng dự án quảng bá hình ảnh về Công viên địa chất Đồng Văn và tỉnh Hà Giang qua hai cảng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, trong đó dự kiến thành lập trung tâm thông tin tại Sân bay Nội Bài.

Ban Quản lý Công viên địa chất Đồng Văn cũng đã xây dựng các dự án giới thiệu kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư cho Cao nguyên đá Đồng Văn. Dự kiến trong năm nay, một số dự án xây dựng khách sạn, khu dịch vụ sẽ bước đầu được triển khai tại đây.

Hy vọng trong tương lai không xa, Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ trở thành một trong những điểm đến yêu thích của khách du lịch trong nước cũng như quốc tế khi đến Hà Giang, nơi địa đầu Tổ quốc.

Cao Nguyên đá Đồng Văn là niềm tự hào của ngành du lịch, cũng là điểm thu hút khách quốc tế đến đây khá nhiều. Với những lợi thế về địa hình đồi núi, những còn đường vòng vèo sẽ càng thu hút khách đến nơi đây.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét